Vẻ đẹp của một cây cầu

23/06/2009 08:40

 Những dòng sông luôn là một đề tài được nói đến nhiều trong thơ văn, trong những bài hát viết về quê hương. Dòng sông luôn là nơi được nhắc đến đầu tiên khi nói về một nơi nào đó, và mỗi dòng sông đều gắn với một chiếc cầu. Như Hà Nội với sông Hồng và cầu thép Long Biên, Vinh với sông Lam và cầu Bến Thủy, Huế với sông Hương và cầu Trường Tiền được ví như chiếc lược ngà chải lên mái tóc người con gái Huế là dòng sông Hương mềm mại…

      Năm 1998, một năm sau khi Đà Nẵng trở thành đô thị loại 1, một công trình mang tính bứt phá đã được xây dựng trên trục chính của đường Bạch Đằng, một công trình mà sau này chắc chắn sẽ có một chỗ đứng bền vững trong lịch sử phát triển của thành phố: cầu Sông Hàn.

     Nói đến Đà Nẵng không thể không nhắc đến dòng sông Hàn thơ mộng và cầu Sông Hàn - cây cầu quay đầu tiên ở Việt Nam - niềm tự hào của người dân thành phố. Cầu Sông Hàn là biểu tượng cho sức sống mới, là khát vọng đi lên của thành phố. Dường như lúc này mọi vẻ đẹp nên thơ của dòng sông Hàn chỉ được bộc lộ một cách hoàn mỹ nhất trong không gian cầu Sông Hàn lộng gió và mát rượi. Cái đẹp đó là cảnh ban đêm vừa thả bộ dọc sông Hàn vừa ngắm câu quay. Đà Nẵng đẹp khi đứng trên Cầu Sông Hàn phóng tầm mắt về khung cảnh đôi bờ. Ở mỗi góc nhìn đều toát lên cái đẹp riêng rất dễ để các nghệ sỹ cảm tác thành nhạc thành thơ…

 

 

   Cầu sông Hàn đẹp, cái đẹp của một công trình kiến trúc nghệ thuật. Đã là một công trình nghệ thuật thì sẽ có nhiều cách cảm thụ khác nhau, tùy thuộc vào trí tượng tưởng, vào con mắt của mỗi người. Có lẽ, để đánh giá vẻ đẹp của một công trình, trước hết nên đi đánh giá chức năng của nó. Chiếc cầu là “sợi dây” nối hai bờ sông, giúp giao thông, buôn bán được thuận lợi, giúp mọi người đi lại dễ dàng vì thế chiếc cầu cần phải làm sao thỏa mãn được điều đó.

    Như vậy, một cây cầu rộng rãi với ba hay bốn làn xe chạy, có lề dành cho người đi bộ là phù hợp. Tuy nhiên, với một chiếc cầu được xây dựng phần lớn từ đóng ghóp của nhân dân thì hai làn xe chạy là chấp nhận được. Mang đặc tính là một cây cầu trong thành phố, là nơi nghỉ ngơi ngắm cảnh của nhân dân, nên người thiết kế đã bố trí ghế bộ hành thay vì dùng dải phân cách như một số chiếc cầu khác. Và cũng thật tuyệt vời khi sau một ngày làm việc vất vả, được đi bộ, thả hồn, ngắm cảnh hai bên dòng sông từ cầu sông Hàn. Đứng ở trên cầu có thể trông lên đèo Hải Vân cheo leo, hiểm trở, nhìn xuống biển mênh mông sóng vỗ, hay tận hưởng không khí trong lành của phố biển về đêm.
     Lan can của cầu cũng thật là đẹp, không phải là những khối bê tông sần sùi, xấu xí, hay những thanh ngang đơn điệu. Các kĩ sư đã sử dụng những trụ bằng thép làm chỗ dựa cho những thanh thép ngang uốn cách điệu, đồng thời tại chỗ các trụ là các bóng đèn màu sáng trắng, và nó thật đẹp khi về đêm.

   Điều đặc biệt nhất của cầu sông Hàn là chiếc cầu quay duy nhất tại Việt Nam, là sự lựa chọn từ nhiều phương án được đặt ra để đảm bảo khổ thông thuyền cho cầu, đó cũng trở thành điểm nhấn khi nhắc đến Đà Nẵng người ta nói đến cầu quay sông Hàn. Nhịp quay được treo bằng các dây văng hình rẻ quạt. Các sợi dây được lắp các đèn ống công nghệ cao với lớp bảo vệ màu trắng sữa giúp ánh sáng đèn phát ra không bị chói. Đèn được ghép nối liên tục tạo thành các ống sáng lung linh vào ban đêm.

 

   Nếu ai tinh ý, hoặc là những người có hiểu biết chút ít về công trình cầu, họ sẽ thắc mắc là tại sao lại có những vệt cong lượn sóng giữa các nhịp, nó giống với hình dáng của cầu dầm liên tục? Đó cũng là một điều đặc biệt nữa của cầu sông Hàn, các kĩ sư thiết kế đã khéo léo đặt thêm các tấm lượn sóng, nhìn từ trên sông, cầu sông Hàn giống như một cánh sóng lan truyền trên mặt nước. Có người cho rằng, những tấm chắn này là không phù hợp đối với kiến trúc của một cây cầu hiện đại, tuy nhiên xét trong khung cảnh của cầu sông Hàn thì nó thực sự là một thành công của các kĩ sư khi hòa hợp giữa cầu và dòng sông.

   Màu sắc của cầu? Màu trắng sữa. Đối với vật liệu bê tông, việc lựa chọn màu sơn vừa đảm bảo độ bền về thời gian và mỹ quan là rất khó. Cầu sông Hàn khánh thành năm 2000, lúc mà công nghệ pha sơn ở Việt Nam mới bắt đầu xuất hiện. Người ta khó có thể tạo ra nhiều màu sắc đẹp, và vì thế màu trắng là tối ưu. Trên thế giới, chúng ta có thể bắt gặp nhiều chiếc cầu với đủ màu sắc, từ vàng, xanh rêu tới đỏ…, nhưng với loại cầu bê tông chúng ta chỉ thấy duy nhất màu trắng, và đó cũng chính là nhược điểm của nó khi hòa vào môi trường.

       Vẻ đẹp được tạo ra từ những ý tưởng bắt nguồn từ sự cân nhắc, sự quan sát những chức năng, tính thực tiễn, tính kinh tế và những công nghệ tiên tiến. Và mỗi một quá trình thiết kế cầu đều lấy cảm hứng từ vẻ đẹp này. Mỗi bộ phận của cầu đóng một vai trò như một sự kết hợp giữa kết cấu và nghệ thuật trong cùng một tổng thể.

    Có vô số những con đường để thiết kế và tạo ra những dạng cấu trúc phù hợp với điều kiện công trình. Một công nghệ xây dựng tốt sẽ tương đồng với một tác phẩm nghệ thuật, mà đã là tác phẩm nghệ thuật thì ai cũng phải trầm trồ, khen ngợi. Mối quan hệ này chỉ bị giới hạn bởi khả năng sáng tạo và kĩ năng thiết kế của người kĩ sư.

      Xét một cách toàn diện, cầu sông Hàn không hẳn là đẹp so với những cây cầu khác trên thế giới, vẫn còn đâu đó những chỗ chưa hợp lí. Việc sử dụng hai làn xe cho một chiếc cầu nằm trên tuyến giao thông quan trọng của thành phố đã gây ra tình trạng ách tắc mối khi có va quyệt trên cầu, nhịp quay của cầu nếu không quay lại được sau khi đã cho tàu qua cũng gây tắc nghẽn giao thông. Hay như nhịp quay của cầu hơi ngắn so với toàn bộ cầu, với tháp quay 4 chân thô cứng, sử dụng màu sơn xanh lạc lõng giữa những sợi dây văng.

    Một chiếc cầu thường được quan sát từ nhiều góc và người quan sát chúng cũng ở trong những trạng thái khác nhau. Lúc ta thấy buồn, đứng trên cầu, hứng những luồng gió mát rượi, ngắm nhìn những ánh đèn điện hai bên bờ sông, lúc đó mới thấy cầu sông Hàn và Đà Nẵng thật đẹp, mọi ưu tư được rũ bỏ. Đó cũng chính là mục đích của tác phẩm nghệ thuật “cầu”.

                                                                                                Đặng Hồng Quân 06/209